Như đã đề cập ở trên, BHTNNN KTS & KSTV ra đời với mục đích hỗ trợ các cá nhân, tổ chức về tài chính khi phát sinh các trách nhiệm pháp lý mà họ phải bồi thường theo phán quyết của toà án. Các công ty bảo hiểm khi triển khai nghiệp vụ bảo hiểm này đều quy định phạm vi được bảo hiểm và cả những điểm cần loại trừ một cách rõ ràng. Các quy định này được đưa ra, một mặt buộc các đối tượng tham gia bảo hiểm phải phát huy tinh thần trách nhiệm để đề phòng, hạn chế các rủi ro mà họ có thể gặp phải, mặt khác tránh cho các công ty bảo hiểm khỏi những tổn thất từ việc trục lợi bảo hiểm. Trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm nhìn chung được xác định dựa vào rủi ro xảy ra thuộc rủi ro được bảo hiểm hay nằm trong phạm vi loại trừ.
Trước hết, các công ty bảo hiểm thường đưa ra phạm vi công việc được bảo hiểm của các KTS và KSTV. Căn cứ vào đó, khách hàng có thể lựa chọn xem họ dự định mua bảo hiểm cho những công việc nào. Phạm vi công việc được bảo hiểm bao gồm: thiết kế, tư vấn, giám sát và lập báo cáo khả thi. Các công việc này lại được phân loại cụ thể như sau:
a- Công việc và sản phẩm thiết kế có thể tham gia bảo hiểm bao gồm:
Phân loại theo trình tự thiết kế:
+ Thiết kế kỹ thuật, thuyết minh, tổng dự toán công trình;
+ Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán chi tiết;
+ Giám sát tác giả.
Phân loại theo nội dung thiết kế:
+ Thiết kế công nghệ (sản xuất hoặc sử dụng) bao gồm: giải pháp công nghệ sản xuất (sử dụng); thiết kế dây chuyền sản xuất (sử dụng), lắp đặt thiết bị; thiết kế hệ thống kỹ thuật theo dây chuyền sản xuất như: cấp nhiệt, điện, hơi, thông gió, an toàn sản xuất, phòng chống cháy nổ, độc hại…;
+ Thiết kế xây dựng công trình (thiết kế kiến trúc và xây dựng) bao gồm: giải pháp kiến trúc, giải pháp kỹ thuật xây dựng, thiết kế bên trong công trình, thiết kế bên ngoài công trình (cây xanh, sân, đường, vỉa hè…); thiết kế hệ thống kỹ thuật: cấp nhiệt, điện, hơi, dầu, cấp, thoát nước, thông gió, điều hoà không khí, chiếu sáng, âm thanh, thông tin, tín hiệu, phòng chống cháy nổ…
b- Các hoạt động tư vấn, giám sát, lập báo cáo khả thi…
+ Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
+ Lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
+ Lập báo cáo đầu tư;
+ Thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật; thẩm định tổng dự toán (trường hợp thuê các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn thực hiện các công việc này);
+ Lập hồ sơ mời thầu xây lắp và phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu xây lắp;
+ Lập hồ sơ mời thầu mua sắm vật tư thiết bị và phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu mua sắm vật tư thiết bị;
+ Giám sát thi công xây dựng;
+ Giám sát lắp đặt thiết bị.