Phát huy nội lực để phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và an toàn xã hội: Chế độ BHXH được ban hành và tổ chức thực hiện đối với các đối tượng tham gia nhằm huy động mọi tiềm năng của từng đơn vị, từng cơ quan, từng cá nhân, vừa để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tích lũy xã hội và tiêu dùng, vừa để hình thành quỹ BHXH – là nguồn lực tài chính tập trung to lớn, một mặt đáp ứng nhu cầu chi tiêu đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng các chế độ BHXH, góp phần đảm bảo an toàn xã hội; mặt khác đó là nguồn vốn trong nước to lớn để tham gia đầu tư phát triển nền kinh tế – xã hội của nước nhà. Tất cả phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Quỹ BHXH được xây dựng theo mô hình tồn tích: Trước năm 1995, quỹ được thiết kế theo mô hình tọa thu – tọa chi, nguồn thu BHXH chỉ là một trong những nguồn kinh phí để hình thành nguồn thu của NSNN. Thiết kế theo mô hình này đã dẫn đến sự ỷ lại vào sự bao cấp của NSNN, cùng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp dẫn đến thu không đủ chi, sự cấp phát từ NSNN để đảm bảo nhu cầu chi BHXH ngày càng lớn. Mặt khác, tiềm năng để mở rộng đối tượng tham gia BHXH ở nước ta còn rất lớn và thời gian tham gia đóng BHXH của mỗi người dài, thiết kế quỹ BHXH theo mô hình tồn tích sẽ tạo ra được một nguồn tài chính vô cùng lớn và quan trọng để phát triển nền kinh tế – xã hội, đồng thời tạo ra một quỹ tiền tệ quan trọng để bảo đảm nhu cầu chi trả sau này cho người thụ hưởng.